Khi bàn đến bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), các nhà y học thường đề cập đến tới các lĩnh vực: sinh lý bệnh, phân loại bệnh, chẩn đoán, điều trị…
Những đề tài muôn thuở này vẫn luôn được trình bày với rất nhiều thông tin mới lạ, hấp dẫn. Bởi vậy, thời gian gần đây, chúng tôi muốn lưu tâm đến những gì cụ thể, thiết thực nhất trong công tác chăm sóc sức khoẻ cho người bệnh ĐTĐ. Người quan trọng nhất quan tâm đến việc chăm sóc cho người bệnh ĐTĐ chính là bản thân người bệnh, sau đó mới đến người thân, các tổ chức y tế, các tổ chức chính trị – xã hội trong cộng đồng nhân sinh của người bệnh.
Để kiểm soát tốt đường huyết (giữ mức đường huyết như người bình thường) thì người bệnh phải cần đến 5 biện pháp thiết yếu, đó là:
• Giáo dục sức khoẻ cho người bệnh ĐTĐ.
• Chế độ dinh dưỡng.
• Tập luyện.
• Thuốc men.
• Các xét nghiệm kiểm tra.
1. Giáo dục sức khỏe cho người bệnh ĐTĐ
Đây là biện pháp cơ bản nhất trong công tác chăm sóc người bệnh ĐTĐ. Giáo dục ở đây có nghĩa là người bệnh phải học cách tự chăm sóc cho mình. Tất cả mọi thông tin tiến bộ về bệnh ĐTĐ đều mang lại lợi ích cho người bệnh. Người bệnh cần phải học cách tự kiểm tra đường huyết, cách rèn luyện thể lực, cách ăn uống như thế nào cho phù hợp với tình trạng bệnh lý trong những thời điểm khác nhau. Có rất nhiều cách để người bệnh có được những thông tin chính xác và đầy đủ, góp phần nâng cao việc chăm sóc sức khoẻ cho chính mình. Đọc sách là cách đơn giản nhất và thu nhập được nhiều thông tin chính xác nhất. Xem phim, nghe nhạc lại là cách hợp thời hơn.
Bệnh nhân đái tháo đường cần được tư vấn về cách tự chăm sóc
Ngoài ra, người bệnh còn có thể tham dự các lớp học ĐTĐ hoặc đến các cơ sở tư vấn để tìm hiểu một cách cụ thể về diễn biến các chứng bệnh của mình. Gần đây, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã thành lập các hiệp hội ĐTĐ. Đây là nơi để bệnh nhân học hỏi, trao đổi kinh nghiệm quý báu trong việc tự chăm sóc sức khoẻ cho mình. Tuy nhiên, muốn có những thông tin chọn lọc, thích hợp với từng đối tượng thì cần phải có các nhà giáo dục về bệnh ĐTĐ. Nhà giáo dục ĐTĐ có thể là: bác sĩ, y tá, chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia tư vấn sức khoẻ tâm lý… Các chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp người bệnh lập kế hoạch dinh dưỡng riêng cho họ. Một số nước trên thế giới đã tổ chức những khoá học” Kiến thức chuyên biệt bệnh ĐTĐ” cho các nhà giáo dục bệnh ĐTĐ. Sau khoá học là một cuộc thi sát hạch để cấp chứng chỉ với chức danh” Nhà giáo dục ĐTĐ”.
Muốn có hiểu biết để tự bảo vệ sức khoẻ cho chính mình, bệnh nhân đái tháo đường phải lựa chọn những thông tin luôn luôn biến đổi theo thời gian mới tìm được những nhu cầu đích thực và những gì cần làm, cần tuân thủ theo. Nhờ có được những kiến thức cơ bản trong giáo dục ĐTĐ, người bệnh có thể thích ứng để không ngừng nâng cao sức khoẻ cho chính mình và có đủ bản lĩnh chung sống với bệnh ĐTĐ.
2. Dinh dưỡng
Mỗi người bệnh phải được lập một chế độ dinh dưỡng có lợi cho sức khoẻ, đảm bảo năng lượng cần thiết cho họ thực hiện những công việc khác nhau. Chẳng hạn, khi đang dùng insulin, bệnh nhân phải có đủ khối lượng, chất lượng thức ăn và thời gian ăn phù hợp với liều lượng cũng như thời lượng tiêm của từng loại insulin.
Bệnh nhân ĐTĐ cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý
Chế độ ăn là vấn đề đáng quan tâm nhất cho người bệnh ĐTĐ týp 2 trong việc kiểm soát đường huyết và trọng lượng của cơ thể. Người bệnh có thể dùng chế độ ăn để đạt được những yêu cầu như: giữ đường huyết, mỡ máu, huyết áp, cân nặng… ở mức như người bình thường hoặc gần như người bình thường, đảm bảo đầy đủ vitamin và khoáng chất.
3. Tập luyện
Thường xuyên tập luyện các bài thể dục nhẹ nhàng
Khi ăn, đường huyết của người bệnh ĐTĐ sẽ tăng lên, nhưng khi được dùng thuốc ĐTĐ hoặc khi hoạt động thể lực thì đường huyết được hạ thấp xuống. Tập luyện phải thực sự thường xuyên, cũng như chế độ ăn uống và sử dụng thuốc men để duy trì tốt đường huyết như người bình thường. Chế độ tập luyện cho người bệnh ĐTĐ nhằm mục đích:
• Tiêu hao lượng đường trong máu, đốt cháy chất béo dư thừa trong cơ thể và loại bỏ chúng.
• Cải thiện sức lực của cơ bắp, lưu thông tuần hoàn và ổn định chức năng hoạt động của cơ quan trong cơ thể (tim, phổi…).
• Tạo nên một hình thể, vóc dáng khoẻ mạnh, tinh thần thoải mái, sống động, thích nghi với môi trường và đối phó với những stress được tốt hơn. Cần lưu ý rằng, chế độ tập luyện thể lực phải phù hợp với chế độ dinh dưỡng và liều lượng thuốc men trong từng thời gian cụ thể.
Ths Bs Hồ Khải Hoàn – Phó Trưởng khoa Đái tháo đường – BV Nội tiết Trung ương