Bệnh đái tháo đường được xem là một chứng bệnh cực kì nguy hiểm, nó diễn biến âm thầm, bền bỉ. Cũng như ung thư và HIV, bệnh đái tháo đường đều đem lại hậu quả cực kì nguy hiểm. Khi bệnh biểu hiện ra bên ngoài thì đã quá nặng, điều trị rất khó khăn, đặc biệt đáng sợ nhất là các biến chứng của bệnh đái tháo đường.
Bệnh đái tháo đường là 1 chứng bệnh nguy hiểm
Các biến chứng nguy hiểm thường gặp ở bệnh nhân cao tuổi mắc bệnh đái tháo đường:
1. Tổn thương thần kinh
Đây là biến chứng xảy ra với tỷ lệ rất cao. Bàn chân bệnh nhân giảm cảm giác nhiệt và cảm giác đau, chân tê bì hoặc cảm giác kim châm. Y học gọi đó là hiện tượng “mất cảm giác bảo vệ”. Bạn có thể giẫm lên một cái đinh hay một viên sỏi, hoặc bị trầy xước bàn chân mà vẫn đi cả ngày không hề hay biết, chỉ khi chân sưng to lên hoặc nhiễm trùng nặng bạn mới phát hiện ra và việc điều trị lúc đó là cực kỳ khó khăn. Điều này khiến bàn chân dễ bị tổn thương, lở loét có thể làm nhiễm trùng, hoại tử và phải cắt cụt chi để bảo toàn tính mạng.
2. Tổn thương thận
Hàm lượng đường trong máu cao gây tổn thương hàng triệu vi mạch tại thận dẫn đến việc làm giảm chức năng lọc cầu thận và các chức năng khác của thận.
3. Tổn thương mắt
Những mạch máu nhỏ tại võng mạc dễ bị nghẽn, vỡ trong lòng mắt gây ra tổn thương dẫn đến các bệnh lý về võng mạc. Ngoài ra bệnh đái tháo đường cũng có thể gây đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, gây mù loà.
4. Bệnh lý tim và mạch máu ngoại vi
Biến chứng tim mạch thường gặp bao gồm: cao huyết áp, xơ cứng động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não gây bại liệt hoặc tử vong.
65 % tỉ lệ tử vong ở bệnh tiểu đường là do tai biến mạch máu. Bệnh lý này khiến cho lượng máu tới nuôi các mô ở vị trí ngoại vi khiến cho tổn thương ở vị trí bàn chân khó lành, dễ nhiễm trùng dẫn đến loét và hoại tử. Bệnh nhân có thể bị cắt cụt chân gây tàn phế cả đời.
5. Nhiễm trùng
Bệnh nhân tiểu đường cũng rất dễ bị nhiễm trùng và có thể bị nhiễm trùng ở bất cứ bộ phận nào điển hình như: răng miệng, lợi, nhiễm trùng da gây mụn nhọt, nấm, nhiễm trùng đường tiểu bàng quang, thận… Đường máu cao và tuần hoàn máu kém làm cho các phản ứng bảo vệ chống nhiễm trùng ở các bệnh nhân này diễn ra chậm hơn và kém hiệu quả hơn.
Tổn thương thần kinh kết hợp với bệnh lý mạch máu ngoại vi và nhiễm trùng là 3 biến chứng hàng đầu gây nên hiện tượng cắt cụt chi ở bệnh nhân Đái tháo đường, và nguy hiểm hơn nữa có thể ảnh hưởng tới tính mạng. Biến chứng này chúng ta có thể ngăn chặn được bằng cách kiểm soát tốt lượng đường huyết của máu và chăm sóc tốt bàn chân để tránh được những hậu quả đáng tiếc đã kể trên.
Biến chứng của tiểu đường thực sự rất nguy hiểm nhưng chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn các biến chứng trên nếu kiểm soát tốt hàm lượng đường trong máu.